09:17:20 09-03-2016
Sáng ngày 8/3, trong không khí vui tươi ngày Quốc tế Phụ nữ, hơn một nghìn người cùng diện áo dài tham gia lễ khai mạc và đồng diễn áo dài tại Nhà văn hóa Thanh niên (quận 1, TP HCM).
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP HCM lần 3 năm 2016. Tham gia lễ khai mạc, có nhiều đồng chí lãnh đạo của thành phố Hồ Chí Minh, Ban giám đốc Sở du lịch, cùng hàng nghàn người dân.
Bà Nguyễn Thị Thu, phó Chủ tịch UBND TP.HCM tuyên bố khai mạc lễ hội áo dài TPHCM lần 3 năm 2016
Trong tà áo dài truyền thống, bà Nguyễn Thị Thu, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM phát biểu: “Lễ hội Áo dài thành phố Hồ Chí Minh năm 2016 không chỉ dừng lại ở các hoạt động trong hơn hai tuần tổ chức; Tôi tin rằng, đây sẽ là một lễ hội độc đáo, mang bản sắc riêng của thành phố; hiệu ứng lan tỏa từ Lễ hội này còn góp phần bảo tồn, phát huy và quảng bá tinh hoa Việt với bạn bè các nước trên thế giới…
Các bạn nữ sinh trong buổi lễ khai mạc
Nhân dịp này, Sở du lịch TP HCM cũng cho biết, Bảo tàng Áo Dài khai trương Phòng Trưng bày ngày 8.3.2016 tại tầng 2, số 77 đường đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM với chủ đề: Áo dài Việt Nam – Kiểu dáng từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XXI.
Đặc biệt lần đầu tiên trưng bày hiện vật do nghệ nhân Vũ Văn Giỏi phục chế Áo Long Bào Hoàng Thái Tử của Hoàng Đế Bảo Đại mặc khi lên ngôi năm 1926, là vị Hoàng Đế thứ 13 và cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn.
Văn nghệ chào mừng lễ khai mạc
Tại địa chỉ văn hóa mới của Bảo tàng Áo Dài, khách tham quan không chỉ ngắm nhìn những hiện vật áo dài đẹp nhất xuyên suốt từ thế kỷ XVII đến XXI - Còn có thể đặt may cho mình theo những mẫu áo dài xưa mà Bảo tàng Áo Dài sẽ phục chế lại theo nguyên mẫu. Qua đó, những giá trị di sản của tiền nhân để lại sẽ được tiếp nối đầy trân trọng, với nỗ lực góp phần trong tâm thức của người Việt - Áo Dài được công nhận bằng văn bản chính thức là Quốc phục và Di sản văn hóa của Việt Nam.
Đức Vượng (Đời sống & Pháp luật)
Giấy phép số: 70/GP-STTTT cấp ngày 16/11/2017 Địa chỉ: 41 Đường DC13, P. Sơn Kỳ, Q. Tân Phú, TPHCM |