15:25:40 13-12-2013
SGTT.VN - Như một mạch ngầm trong dòng chảy văn hoá, kết nối giữa xưa và nay, gốm sứ đã bước từ cuộc sống dung dị hàng ngày để trở thành những tác phẩm nghệ thuật làm say lòng biết bao thế hệ. Kho tàng gốm cổ vừa tìm thấy ở Quảng Ngãi một lần nữa cho thấy, cả một lịch sử huy hoàng của dân tộc ẩn sâu trong từng tác phẩm. Sưu tập gốm cổ và lựa chọn cho gia đình những bộ đồ gốm sứ từ ngàn xưa đã trở thành nét văn hoá tao nhã không thể thiếu trong đời sống văn hoá người Việt.
Vẻ đẹp của gốm ẩn chứa trong đó văn hóa, lịch sử và tình tự của dân tộc qua thời gian. Ảnh: Hồng Thái
|
Nghề chơi cũng lắm công phu, đến với gốm sứ, không chỉ cần hiểu sâu sắc về văn hoá, lịch sử, nghệ thuật, mà còn đặc biệt lưu ý đến tiêu chuẩn về an toàn sức khoẻ, về môi trường. Nhằm cung cấp cho người tiêu dùng những kiến thức, hiểu biết về gốm sứ, cách lựa chọn, sử dụng và trưng bày gốm sứ trong những buổi dạ tiệc, ngày lễ, tết cổ truyền dân tộc... báo Sài Gòn Tiếp Thị đã mở một loạt chuyên đề về gốm sứ, mỗi tháng một kỳ, với sự tham dự của các nhà văn hoá, khảo cổ học, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ẩm thực, cùng các nhà sản xuất gốm sứ danh tiếng trong nước…
Chuyên đề toạ đàm đầu tiên “Gốm sứ trong văn hoá ẩm thực Việt” diễn ra vào lúc 9 giờ sáng ngày 25.10.2012, tại toà soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị, với sự tham dự của ba diễn giả:
– Nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu: Gốm sứ Óc Eo.
– Nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng: Gốm sứ thời Lý – Trần.
– Doanh nhân Lý Ngọc Minh: Gốm sứ Bình Dương trong dòng chảy hiện đại.
Đồng hành cùng buổi toạ đàm, công ty TNHH Minh Long I sẽ gửi tặng mười phần quà gốm sứ gia dụng cho bạn đọc có câu hỏi hay nhất. Bạn đọc có thể tham gia bằng cách nhập vào phần "Đặt câu hỏi giao lưu" bên dưới, hoặc đăng ký tham dự qua điện thoại: 08.39307825.
Mở đầu chương trình, TS Khảo cỗ Nguyễn Thị Hậu đã có những phác thảo sơ lược về đặc điểm của đồ gốm thời kỳ văn hóa Óc Eo.
Thời kỳ văn hoá Óc Eo chỉ có đồ gốm đất nung chứ chưa có đồ sứ. Văn hoá Óc Eo tồn tại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII. Chủ nhân lúc này là cư dân biển kết hợp cư dân bản địa vùng văn hóa Đồng Nai. Văn hóa Óc Eo tương đương thời kỳ chống ngoại xâm phía Bắc. Về mặt nguồn gốc, có những hiện vật đã được khai quật ở Cần Giờ: nồi nhỏ, bếp cà ràng bằng đất nung phản ánh đời sống của người cổ ở khu vực này, có niên đại 2.500 năm, thuộc khảo cổ Đồng Nai cách đây 3.000 năm về lịch sử.
Từ phải sang: Nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng, doanh nhân Lý Ngọc Minh và nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Hồng Thái
|
Đồ gốm là hiện vật chính của tầng lớp bình dân giai đoạn này, phản ánh toàn bộ đời sống của cư dân thời bấy giờ. Trong nghiên cứu hoặc trưng bày bảo tàng, người ta ít quan tâm đến vẻ đẹp bình dị của đồ đất nung. Nhưng ai đã mê đồ đất nung thì họ có thể trải qua cả đời để nghiên cứu.
Đồ gốm Óc Eo gồm ba loại chính: đất nung gạch - đất được nung lên để xây dựng; công cụ sản xuất; dụng cụ, đồ đạc trong nhà và các dụng cụ dùng trong nghi lễ thờ cúng. Dụng cụ nấu bếp thời bấy giờ chủ yếu là chiếc cà ràng. Thuật ngữ này dễ dẫn đến ngộ nhận chứng tỏ người Khmer là chủ nhân của thời kỳ Óc Eo. Tuy nhiên, đấy chỉ là tên gọi. Khi nào cuộc sống ghe xuồng còn tồn tại thì còn tồn tại bếp cà ràng.
Đồ gốm thời bấy giờ thể hiện sự thích nghi của con người với môi trường thiên nhiên. Ví dụ như cấu tạo của các nắp đậy nồi, bình thường là nắp đậy ngữa, núm cầm bị lỏm. Cấu tạo đó giúp cho dụng cụ gốm không bị trượt khi lưu thông trên ghe xuồng. Điều này chứng tỏ cuộc sống của cư dân bấy giờ chủ yếu trên ghe xuồng, sông nước, nhà sàn. Thêm một đặc điểm nữa, hiện vật gốm Óc Eo tương đối đa dạng, một phần ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ cũng nhiều, nhiều chi tiết thể hiện ở vật dụng gốm dùng trong nghi lễ thờ cúng.
Chào chị Hậu, những đặc trưng nào của gốm sứ ảnh hưởng trực tiếp đến ẩm thực Việt? Gốm Óc eo, theo chị có những giá trị gì nổi bật so với gốm sứ các địa phương khác?
TS. Nguyễn Thị Hậu: Theo tôi đặc trưng đồ gốm sứ phản ánh (chứ không làm ảnh hưởng) văn hóa ẩm thực Việt. Ví dụ, nhìn một bộ đồ gốm sứ bày trên bàn ăn ta có thể nhận biết đó là bàn ăn của người Hoa hay người Việt: người Hoa có nhiều đĩa vì thường ăn các món xào, người Việt thì thường có một tô lớn, một đĩa lớn đặt giữa vì món ăn chung, kể cả chén nhỏ đựng nước chấm cũng chung, chỉ có chén ăn cơm là riêng. Hay khi xuất hiện chiếc muỗng (thìa) thì ta biết là có món canh: ăn nước lẫn với cái, trước đó (hay phổ biến hơn) là món luộc: nước riêng cái riêng nhưng vẫn ăn cả cái và (húp) nước. Hay như gốm thời tiền – sơ sử hầu như ít có hiện vật nào được gọi là “cốc” hay “ly” có chức năng dùng để uống…
Khi so sánh đồ gốm sứ đầu tiên cần lưu ý niên đại (thời điểm xuất hiện và tồn tại), vì vậy nói đến gốm Óc Eo là ta nói đến loại gốm đất nung, độ nung khá cao, xương gốm mịn. Ngoài gốm gia dụng có nguồn gốc từ văn hóa tiền sử Đồng Nai (nồi, bình, hũ, bếp cà ràng…) còn có một số loại gốm khác như bình gốm thân bầu tròn có vòi dài (kendi), ly chân cao, bình xông hương, nhiều phù điêu mặt người dùng để trang trí… Những loại gốm này dùng trong nghi lễ tôn giáo Ấn Độ. Điều này góp phần giúp ta tìm hiểu về đời sống tinh thần, tâm linh của cư dân thời Óc Eo.
Chào nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, Theo chị gốm sứ Óc Eo phản chiếu văn hoá gì của ngươi dân Nam bộ thời bấy giờ? Liệu có sự hào sảng, hoà hợp với thiên nhiên, dung hoà giữa con người - tộc người với nhau hay không? Dòng sản phẩm nào của gốm sứ Óc Eo theo chị phản ánh được văn hoá tộc người lúc đương thời? (Đặng Bảy, 29 tuổi, danghoangbay_1980@gmail.com)
TS. Nguyễn Thị Hậu: Bạn ơi tôi chỉ là một người theo nghề khảo cổ thôi chưa phải là “nhà” gì đâu (cười)!
Đồ gốm Óc Eo đã phản ánh cuộc sống của cư dân sống trong môi trường sông nước, sự thích nghi với môi trường phản ánh qua nhiều di vật (như dấu tích nhà sàn rất phổ biến, các loại bếp cà ràng, nồi có nắp đậy ngửa, đèn gốm chân đế rộng… tiện dụng trên ghe xuồng). Có lẽ từ thời Óc Eo cư dân ở đây đã thích nghi với địa hình sông rạch chằng chịt và “mùa nước nổi” hàng năm.
Đồng thời, đồ gốm Óc Eo cũng phản ánh đời sống tinh thần qua những cổ vật sử dụng trong nghi lễ tôn giáo. Qua đồ gốm có thể nhận thấy yếu tố văn hóa bản địa từ thời tiền sử đã kết hợp, hòa hợp với văn hóa Ấn Độ tạo nên đăc trưng của cư dân văn hóa Óc Eo.
Xin được đặt câu hỏi với nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng, tôi cũng rất thích công việc sưu tập gốm sứ tuy nhiên không biết phải bắt đầu từ đâu. Ông có thể chia sẻ điều kiện sưu tập, chia sẽ kinh nghiệm sưu tập và những cách sưu tập được những bộ gốm sứ đẹp. Việc sưu tập gốm sứ điều kiện gì là quan trọng nhất?
Nhà sư tập Nguyễn Văn Dòng: Nếu bạn có sở thích sưu tầm gốm sứ mà không biết bắt đầu tư đâu thì hãy tìm đến các nhà sưu tập có cùng sở thích. Họ sẽ chia sẻ với bạn về kinh nghiệm và kiến thức về đồ gốm. Việc đầu tiên, theo tôi là phải đọc, nghiên cứu để có vốn kiến thức nhất định về gốm sứ trước khi bước vào sưu tầm nếu không muốn bỏ cuộc giữa chừng hoặc phải trả giá đắt cho thú chơi của mình.
Chào nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng, tôi có câu hỏi này muốn nhờ ông giải đáp. Trong sưu tầm gốm nhiều người rỉ tai cho tôi biết là có ba "cảnh giới". Đầu tiên là sưu tập. Thứ hai là sưu tập và trao đổi. Cuối cùng là sưu tập và bán. Liệu điều đó có đúng không và nếu đúng thì ông đang ở "cảnh giới" nào? Tại sao ông lại chọn gốm sứ Lý Trần là địa hạt cho mình?(Yangminhhuynh, 52 tuổi, yangminhhuynh32@gmail.com).
Nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng: Ngoài ba dạng kể trên là phổ biến còn có một dạng khác nữa là có một số nhà buôn cổ vật biết giữ lại một số cổ vật độc đáo để giữ gìn, không bán và tích góp thành những bộ sưu tập khá độc đáo và quý hiếm. Tôi tự xếp mình vào dạng thứ nhất. Từ trước tới nay tôi chưa bán một món đồ nào. Biếu tặng bạn bè thí có. Có thể sau này tôi sẽ trao đổi với các nhà sưu tập khác để cùng bổ sung cho nhau những loại hình còn thiếu.
Tại sao tôi chọn gốm sứ Lý - Trần là trọng trong việc sưu tầm ư? Thực ra tôi sưu tầm đủ loại gốm sứ miễn là tôi thấy đẹp, thấy độc đáo và thích. Tất nhiên thời gian đầu tôi rất chú tâm cho việc sưu tầm gốm sứ Lý - Trần với lý do là chúng rất độc đáo, rất Việt và không hề lẫn với các dòng gốm khác của các nước lân cận. Hai nhà nghiên cứu gốm sứ nổi tiếng thế giới là John Stevenson và John Guy có làm một cuốn sách dày trên 400 trang rất công phu, rất hấp dẫn và rất đẹp đẽ để giới thiệu về gốm Việt Nam đã đặt tên là "Gốm Việt Nam - một truyền thống riêng biệt", trong đó dành một dung lượng lớn và trân trọng cho sự độc đáo của dòng gốm Lý - Trần. Sự đa,m mê sưu tầm của tôi cũng phần lớn bắt nguồn từ khi tôi đọc cuốn sách đó.
Nhà sư tập Nguyễn Văn Dòng cho hỏi một câu hơi thẳng thắn nhé, ông có buồn không khi người ta nói rằng sưu tập gốm sứ hay các loại đồ cổ chỉ dành cho những người lắm tiền, ít người hiểu thấu đáo về giá trị văn hoá của những món đồ ấy? (Mai Anh, 39 tuổi, maianhphannguyen78@gmail.com).
Nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng: Tôi xin khẳng định lại thú sưu tập gốm sứ hay cổ vật không chỉ dành cho những người thật nhiều tiền. Tôi từng đọc trên báo có những người sẵn sàng bán đi chiếc xe máy hoặc những vật dụng thiết yếu để lấy tiền mua một món đồ cổ mà họ yêu thích. Tôi cùng từng chứng kiến những ngôi nhà rất bình thường mà bên trong lại lưu giữ những cổ vật mà người có tiền chưa chắc đã sở hữu được hoặc không thèm sở hữu dù họ có nhiều hoặc rất nhiều tiền.
Văn hoá không phân biệt giàu nghèo. Có điều không phải ai có cổ vật cũng là người có văn hoá, thậm chí họ chẳng hiểu gì về những nét văn hoá của các món cổ vật mà họ sở hữu. Chuyện đó trong lĩnh vực nào cũng có chứ không riêng gì chuyện đồ cổ.
Cùng tham dự buổi tọa đàm tại tòa soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị, nhà thiết kế Sỹ Hoàng chia sẻ một câu chuyện thôi thúc ông đam mê với nghề gốm:
Một người suốt ngày chỉ biết quần áo thời trang, người mẫu như tôi mà ngồi vào toạ đàm gốm sứ này thì có vẻ không phù hợp lắm. Tôi chỉ xin trình chiếu một video clip tại toạ đàm này, để xem có sự tương đồng nào với các thời đại văn hóa trong lịch sử. Đây chỉ là một sự trả ơn cho đồ án mỹ thuật năm 1986 tôi đã làm tại làng gốm Bàu Trúc. Đó là giai đoạn nghèo khó, tôi tạm trú tại một gia đình nghèo. Bữa ăn mỗi bữa chỉ một nắm bắp rang, đến lúc lên tàu về lại thì được gia đình đó cho một gói xôi, giúp tôi no mấy ngày trời lũ lụt, kẹt tàu. Mười năm sau quay lại, gia đình đó vẫn nghèo, quây quần ăn cơm quanh một chén mắm độc nhất, xung quanh là hàng chục chiếc bình gốm do họ làm ra.
Tôi nhìn thấy những hoa văn tuyệt vời trên bình gốm đó, quyết định mua tất cả các bình của gia đình họ. Về Sài Gòn, những chiếc bình đó đã được mua hết. Bốn năm tôi đã vòng đi vòng về Sài Gòn – Phan Rang trên những chuyến xe lửa để tìm hiểu "củi lửa", nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc. Trong cuộc triển lãm cá nhân lần thứ 2 về gốm, tôi đã trưng bày 800 mẫu gốm – một cách trả ơn cho làng Bàu Trúc. Và làng nghèo đó đã dần thay đổi.
Chào doanh nhân Lý Ngọc Minh, theo ông gốm sứ Lái Thiêu Bình Dương; Đồng nai có những đặc trưng gì với dòng chảy gốm sứ Việt Nam. Với truyền thống trăm năm làm gốm, ông và gia đình hẳn trải qua không ít chông gai? Khi đã đạt tới đỉnh cao trong gốm sứ gia dụng và mỹ nghệ như hiện nay, có điều gì còn khiến ông trăn trở?(Ly Hoang Long, 46 tuổi, lyhoanglong_4573@gmail.com)
Gốm Lái Thiêu hình thành từ gốm Cây Mai chuyên làm về chậu và chóe. Do người Hoa bên Trung Quốc qua làm .Về gốm cây Mai chia ra nhiều nhóm sản phẩm. Nhóm đầu tiên làm theo đồ Quảng như là làm các loại chậu, bình bông, hình tượng màu xanh ve chai. Kế đến là nhóm lu , khạp men vàng do người Phước Kiến sản xuất hay nhóm bình bông, bình trà vẽ tay do người Tiều Châu làm như vẽ hình con gà, con cá,…Kế đến là nhóm chén dĩa. Nhóm chén dĩa cũng được chia ra làm 2 nhóm là nhóm chén sành và nhóm chén sứ đều do người Phước Kiến và người Hẹ sản xuất.
Khác với những loại trên, gốm mỹ nghệ Bình Dương thi được du nhập từ Đồng Nai sang và việc sản xuất loại gốm mỹ nghệ này được sản xuất đầu tiên bởi gốm Thành Lễ. Về nguồn gốc của gốm Đồng Nai thì do người Pháp đển xây dựng trường mỹ nghệ thực hành Biên Hòa. Họ đào tạo, giảng dạy và sản xuất các đồ gốm chất lượng mỹ thuật và kỹ thuật cao phù hợp cho xuất khẩu mỹ nghệ cao cấp. lúc đó và bây giờ thi phù hợp cho xuất khẩu mỹ nghệ cao cấp
Hiện nay tại Bình Dương có sản xuất thêm gốm Bát Tràng và gốm Phù Lãng và cũng thu hút nhiều nghệ nhân ở các tỉnh đổ về. Cho nên có thể nói hiếm có làng nghề gốm sứ nào như BD hội tụ nhiều chủng loại gốm sứ đến từ các làng nghề khác nhau và với nhiều dòng gốm sứ chủng loại khá nhau được sàn xuất vời sản lượng thuộc loại nhất nước..
Về chén dĩa gia dụng bằng sứ của Việt Nam, ngày nay chúng ta đã đạt được đỉnh cao về mỹ thuật và kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu khắc khe của thị trường trong và ngoài nước. Nhưng riêng về hàng mỹ nghệ cao cấp để phục vụ cho xuất khẩu thì kỹ thuật và trình độ của nghệ nhân và nhà sản xuất còn hạn chế. Hiện giờ chất lượng cũng như giá cả của các mặt hàng này chưa đạt được như mong muốn. Điều này đòi hỏi họ phải phấn đấu nhiều hơn nữa và phải tiếp tục nghiên cứu cải tiến về kỹ thuật cũng như trình độ tay nghề. Ngoài ra, lĩnh vực gốm sứ kỹ thuật cao cấp hiện còn nhiều mặt hàng đang bị bỏ trống, đó là một cơ hội và là thách thức cho những ai muốn tiến lên để đưa lĩnh vực sành sứ Việt Nam ngày càng phát triển tốt hơn nữa để theo kịp kỹ thuật của thế giới.
Chào doanh nhân Lý Ngọc Minh, Rất hân hạnh khi được đặt câu hỏi với ông trong cuộc giao lưu này. Ông có thể cho biết linh hồn của gốm sứ Bình Dương, cụ thể là Lái Thiêu phán chiếu vào Minh Long như thế nào? Kinh nhgiệm gì, theo ông để gốm sứ Việt Nam không bị phai nhạt? (Minh Phúc, 50 tuổi, phucksor_1963@gmail.com)
Doanh nhân Lý Ngọc Minh: Từ các kiểu dáng quen thuộc của các dòng sản phẩm gốm sứ Lái Thiêu - Bình Dương, Minh Long đã có được ý tưởng trong việc tạo dáng ra những sản phẩm sứ gia dụng hiện nay, như sử dụng kiểu dáng của chiếc lu mái vú để tạo ra dáng bình trà Hồn Việt, hay là hình dáng cái lu trung để cho ra đời kiểu dáng bình trà của bộ Camellia. Và để cho sản phẩm không bị phai nhạt thì các sản phẩm sản xuất phải hội đủ 8 tiêu chí "bốn không" (không thời gian, không biên giới, không giới tính và không tuổi tác) và "bốn có" (có văn hóa, nghệ thuật, phong cách và có hồn) như tôi đã nói bên trên.
Chào cô Hậu, thần tượng của cháu. Cháu đang tính theo học ngành khảo cổ nhưng bạn bè nói nghề này cực lắm vì phải đi nhiều lại lăn lộn với bùn đất, dễ... ế chồng lắm. Cô có thể cho cháu lời khuyên được không ạ? Cháu nghe thấy giảng là linh hồn dân tộc gắn liền với những vật dụng gắn với con người hàng ngày, điều đó theo cô có đúng không? Con thấy báo Sài Gòn Tiếp Thị cho biết là cô sẽ trò chuyện về gốm Óc Eo. Như con biết thì Óc Eo phổ biến là các loại sành chứ ạ? Cám ơn cô. (Chichchoevoi, 19 tuổi, chichchoevoi_2393@gmail.com)
TS. Nguyễn Thị Hậu: Chào cháu Chichchoevoi. Cô cũng như mọi người đang làm một công việc rất bình thường. Vì vậy, nếu được, mong cháu đừng coi cô là “thần tượng”! Mà ai nói với cháu là làm khảo cổ thì “dễ ế chồng”? Các bạn nữ là đồng nghiệp và học trò khảo cổ của cô không ai lo lắng vì chuyện “ế chồng” cả, và thực tế hầu như đều có gia đình. Nếu cháu thích nghề khảo cổ thì cứ theo học đi, đây là một ngành rất thú vị! Thú vị vì được đi nhiều nơi, được trải nghiệm nhiều. Ông bà mình đã dạy “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà.
- Những vật dụng hàng ngày của con người phản ánh đời sống của họ, cả đời sống vật chất và tinh thần. Và khảo cổ học là nghề giúp cho ta khám phá ra điều đó, di tích, di vật khảo cổ và những thông tin từ nó như “sợi dây” văn hóa nối liền quá khứ và hiện tại.
- Đồ gốm (pottery) trong văn hóa Óc Eo (thế kỷ I – VII) chủ yếu là đồ đất nung (terracotta). Một số cổ vật đã đạt đến độ nung cao như sành nhưng không phải tất cả là đồ sành. Loại hình đồ sành phổ biến ở giai đoạn muộn (từ thế kỷ IX, X trở đi).
Chào cô Hậu, cháo có câu hỏi này muốn nhờ cô tư vấn. Như cháu thấy hiện nay giới trẻ, đặc biệt là các bạn nữ rất ngại lai vào công việc như cô, nhiều vất vả và hi sinh, trong khi hiện nay xã hội có nhiều công việc hấp dẫn. Là người đi trước, cô có thể cho lời khuyên cho những bạn gái muốn đi theo con đường và sự đam mê ngành khảo cổ như cô? Cám ơn cô. Cháu Su Mô(Cobesumo, 18 tuổi, cobesumo@gmail.com)
TS.Nguyễn Thị Hậu: Chào Su Mô. Khuyên ai theo một nghề nào đó giống như mình đang “làm mai” vậy. Cô thì không nghĩ một công việc hấp dẫn là một công việc nhàn nhã. Quan trọng là các bạn có yêu thích nghề khảo cổ hay không? Mỗi nghề có sự hấp dẫn riêng cũng như khó khăn riêng, nếu thích thú thì cứ làm và đừng nghĩ, đừng cho rằng mình phải “hy sinh” – cũng như khi kết hôn với người mình yêu đâu gọi là “hy sinh”, phải không?
Nghề nào cũng vậy, nếu mình làm tốt công việc dù nhỏ thì mình đã “được” thêm nhiều thứ: thỏa mãn sự ham mê, có thêm kiến thức, thêm hiểu biết, cuộc sống sẽ phong phú hơn...
Mà này, tuy vất vả nhưng các bạn nữ làm khảo cổ vẫn “điệu” và rất nữ tính đấy chứ, tất nhiên không phải “điệu” lúc đang ở công trường khai quật. Đừng nghĩ khảo cổ là lúc nào cũng bụi bặm xấu xí nhé.
Chào nhà sư tập Nguyễn Văn Dòng, biết ông là nhà sư tập đồ gốm sứ cổ, ít nhiều hiểu biết về giá trị vật chất và phi vật chất của những món đồ ấy, vậy xin hỏi nhà sư tập, có quan điểm cho rằng gốm sứ làm kiểu công nghiệp đang giết chết nền gốm sứ Việt Nam, quan điểm của ông về nhận định này?
Nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng: Gốm sứ sản xuất kiểu xuất khẩu không hề giết chết gốm sứ Việt Nam. Nhiều cơ sở sản xuất gốm sứ hiện đại của Việt Nam vẫn đưa những nét văn hoá Việt Nam để thổi hồn vào gốm và phục vụ cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Các nước có nhu cầu đặt hàng gốm sứ Việt Nam không hoàn toàn vì gốm sứ mình tốt hơn, đẹp hơn xứ họ mà họ nhập khẩu sự khác biệt của gốm sứ Việt Nam so với các loại gốm có xuất xứ khác. Song song với các lò gốm công nghiệp thì gốm thủ công vẫn có thể tồn tại như các lò gốm Bát Tràng, Phù Lãng, Bầu Trúc...
Chào doanh nhân Lý Ngọc Minh. Đi hàng trăm nước để nghiên cứu về gốm sứ, những tích tụ đó đã thúc đẩy và giúp ông như thế nào? Liệu có thể coi sản phẩm Minh Long là sự tổng hoà của những kinh nghiệm gốm sứ kiểu "liên hiệp quốc"? Vậy Minh Long là Việt Nam hay là tổng hoà của gốm sứ toàn cầu? (Trọng Văn, 27 tuổi, trungdung10@gmail.com)
Doanh nhân Lý Ngọc Minh: Tôi đã đi nhiều nơi và khám phá nhiều vùng miền văn hóa khác nhau, tôi cũng học hỏi các kỹ thuật, mỹ thuật hiện đại trong sản xuất gốm sứ từ họ nhưng về văn hóa là nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam.
Do vậy, các sản phẩm của Minh Long I - nhất là các sản phẩm tiêu dùng trong nước - là sản phẩm của Việt Nam, mang đậm nét văn hóa Việt Nam nhưng chất lượng sản phẩm thì theo tiêu chuẩn của thế giới. Tôi xin nói thêm văn hóa cũng là ngôn ngữ do vậy chúng tôi tâm huyết phải tạo ra những tác phẩm mà khi người khác nhìn vào thì họ sẽ hiểu được cái hay, cái đẹp của văn hóa Việt Nam.
Kính gửi doanh nhân Lý Ngọc Minh. Thời gian gần đây theo dõi thông tin về Minh Long tôi thấy có đề cập đến việc đưa công nghệ Nano vào làm gốm ở Minh Long. Theo tôi biết một dây chuyền như vậy ở châu Âu không hề ít tiền. Ông và Minh Long chọn hướng đầu tư này là điều khiến dân kỹ thuật như chúng tôi thắc mắc bởi ở Việt Nam chưa thấy doanh nghiệp gốm nào làm chuyện này. Nano thực sự đã mang lại hiệu quả gì cho các sản phẩm Minh Long? Hỏi vậy mong ông đường giận vì chúng tôi thấy nhiều ngành nghề bây giờ cái gì cũng kéo Nano vào như một cách để quảng cáo thương hiệu. Chúc ông khoẻ và thành công.(Quoc Cuong, 48 tuổi, quoccuongcnsh@yahoo.com)
Doanh nhân Lý Ngọc Minh: Đúng là chúng tôi có đầu tư máy móc này không ít tiền của châu Âu và chỉ có những người tâm huyết với nghề nghiệp mới chịu khó nghiên cứu và có sự đầu tư tốn kém như vậy.
Về công nghệ Nano như đã giải thích trên báo đài, để cho dễ hiểu chúng tôi xin giải thích đơn giản như vầy: Sản phẩm sành sứ sau khi tráng men thì vẫn có những lỗ nhỏ li ti trên bề mặt men và thường tạo thành độ lồi lõm trên bề mặt sản phẩm mà mắt thường khó nhìn thấy được. Đó chính là nơi mà chất bẩn dễ bám vào. Chúng tôi tạo ra các hạt nguyên liệu phụ gia cực mịn, cực nhỏ (cấp nano) để lấp kín vào các khoảng trống đó làm cho mặt men nhẵn hơn bóng hơn. Và vì vậy, dầu mỡ trong thức ăn hay các chất dễ bám bẩn khác như trà, cà phê trong thức uống khó bám được lên bề mặt mặt men. Sản phẩm sẽ rất dễ tẩy rửa và không cần nhiều đến chất tẩy rửa mạnh không tốt cho sức khỏe. Điều này bạn có thể thử nghiệm trên sản phẩm sứ Minh Long.
Kính gửi nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu. Thời gian qua tôi theo dõi báo đài thấy người dân phát hiện cổ vật ở Quảng Ngãi, tranh nhau "khai quật" và bán kiếm tiền trong khi các chuyên gia như chị lại không thấy xuất hiện để có những can thiệp nghề nghiệp kịp thời. Theo chị người dân khi phát hiện cổ vật như vậy họ có quyền mang về và bán tuỳ thích hay phải để yên đó chờ cơ quan chức năng giải quyết? (Người Sài Gòn, 43 tuổi,
TS.Nguyễn Thị Hậu: Ở nước ta, ngoài những di tích do ngành khảo cổ học hàng năm tổ chức khảo sát và phát hiện còn có những địa điểm, di tích khảo cổ do người dân phát hiện trong quá trình canh tác, lao động. Thông thường họ thông báo cho cơ quan văn hóa địa phương (như bảo tàng, ban quản lý di tích), sau đó những cơ quan này đã kịp thời khảo sát và khai quật ngay, lập kế hoạch bảo vệ di tích.
Các di tích khảo cổ học dưới nước cũng vậy. Nước ta chưa có ngành “khảo cổ học dưới nước” đúng nghĩa (chưa có phương tiện kỹ thuật và chuyên gia) nên thực sự rất khó khăn trong việc dò tìm và khai quật các di tích tàu đắm. Ở Quảng Ngãi ngay sau khi được chính quyền địa phương thông báo việc ngư dân phát hiện đồ cổ, các chuyên gia về gốm sứ đã có mặt để bước đầu giám định niên đại, nguồn gốc của những cổ vật ngư dân “khai quật’ được. Đồng thời phối hợp cùng chính quyền bảo vệ di tích và có kế hoạch để tiến hành khai quật một cách khoa học.
Theo luật Di sản văn hóa Việt Nam thì cổ vật trong lòng đất hay lòng sông, biển đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Người phát hiện di tích, cổ vật có nghĩa vụ và trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ở địa phương. Tuy nhiên thực tế hiện nay phần lớn những cổ vật do người dân phát hiện và “khai quật” (cả trên đất liền và dưới biển) đều đã được họ cất giữ hoặc bán đi, bởi vì họ thường quan tâm đến giá trị kinh tế của cổ vật mà chưa nhận thức hết giá trị lịch sử - văn hóa của cả di tích lưu giữ những cổ vật ấy. Vì vậy việc “khai quật” tự phát có thể mang lại món lợi nhỏ cho người dân nhưng làm thiệt hại lớn cho di sản văn hóa nước nhà.
Kính gửi chị Hậu. Tôi quan tâm đến những bài viết, phát biểu rất "cứng" của chị trên báo chí và tôi thích điều đó. Nhân hôm nay có buổi giao lưu, kình hỏi chị một số câu hỏi: Phận nữ làm khảo cổ như chị chắc phải hi sinh nhiều và vất vả nhiều, lí do gì chị lại chọn ngành này?
Trước những vụ việc các di tích, kho tàng cổ bị phá hoặc không được quan tâm, như vụ tranh chấp đồ cổ vừa diễn ra ở miền Trung, là người trong cuộc chị nghĩ gì? .
TS Nguyễn Thị Hậu: Cám ơn anh đã dành sự quan tâm cho những người làm nghề khảo cổ học. Nghề nào cũng có những đặc thù riêng. Hiện nay trong ngành khảo cổ có nhiều phụ nữ, một số chị rất giỏi, có uy tín trong giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Chúng tôi đều cho rằng, khi đã theo nghề rồi thì quen dần và chấp nhận những khó khăn vì đó là “nghiệp” của mình, cả nam hay nữ đều vậy thôi. Tôi theo nghề này vì thích tìm hiểu lịch sử - văn hóa và đã được học những người Thầy giỏi nhất.
Vài năm nay, do yêu cầu của công việc nên tôi không còn trực tiếp tham gia hoạt động khảo cổ học, tuy nhiên kiến thức nghề nghiệp đã giúp tôi – với chức trách của mình - có cơ sở khoa học trong việc bày tỏ chủ kiến về việc bảo tồn di sản văn hóa, như anh đã biết qua báo chí.
Có phải sưu tập đồ cổ là thú chơi của đại gia, nhà giàu không thưa ông Nguyễn Văn Dòng? Việt Nam mình không thiếu gì những nhà sưu tập đồ cổ hưng vì sao cho đến nay chúng ta chưa có những bảo tàng tư nhân? Xin cảm ông đã trả lời. (Hoàng Trí, 29 tuổi, tinhyeuoi2008@yahoo.com).
Nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng: Điều bạn nói cũng có thể đúng nhưng không phải ở Việt Nam ta. Bản thân tôi được tiếp xúc với rất nhiều nhà sưu tập cổ vật Việt Nam nhưng chưa thấy ai thuộc giới "đại gia". Tôi thấy nhiều đại gia sắm xe hơi đắt tiền, xây biệt thự nguy nga như lâu đài, sắm cả máy bay nữa... Còn những nhà sưu tập thực sự là những doanh nhân thành đạt, các hoạ sĩ, kiến trúc sư, nhà báo, nhà văn và cả người dân bình thường miễn họ có điều kiện nào đó về mặt tài chính và có niềm say mê sưu tầm thực sự.
Rất nhiều bảo tàng lớn trên thế giới có nguồn gốc từ các bộ sưu tập tư nhân. Ở Việt Nam hiện nay mới có một số người xây dựng được các nhà hoặc phòng trưng bày cổ vật chứ bảo tàng thực sự thì chưa. Một mặt do điều kiện kinh tế cũng có hạn, họ chưa phải là các đại gia. Gần đây chúng ta thấy Nhà nước đã phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng phần vỏ của các bảo tàng mang tầm cỡ quốc gia. Đối với bảo tàng tư nhân thì không cần lớn đến vậy nhưng cũng vượt quá khả năng của các nhà sưu tập. Mặt khác, còn quan trọng hơn, là không có đủ nhân lực am hiểu về nghiệp vụ bảo tàng. Khi chưa giải quyết được hai vấn đề quan trọng đó thì vẫn chưa thể có được các bảo tàng tư nhân theo đúng nghĩa.
Xin hân hạnh làm quen với nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng. Nghe tiếng tăm của anh đã lâu, hôm nay mới có dịp giao lưu. Tôi nghe nói anh Dòng có bộ sưu tập hàng “khủng” về gốm sứ Lý – Trần. Xin hỏi anh đã thỏa mãn chưa hay vẫn đang tìm kiếm một cái gì đó giá trị hơn, mới mẻ hơn?
Tôi nghĩ thế này không biết có chuẩn không, đổ cổ nó có giá trị là vì qua thời gian, chứ còn vào thời điểm của nó thì nó cũng bình thường thôi, vậy nên chăng bây giờ chúng ta cất giữ một số chén, dĩa đang ăn cơm hằng ngày để sau này thành đồ cổ. Tôi không biết cách nghĩ về quá trình hình thành đồ cổ như vậy có chuẩn không? Mong được anh Dòng chỉ giáo thêm. Tôi muốn mục sở thị trực tiếp bộ sưu tập của anh thì có cơ hội đó không? Trân trọng. (Lê Thanh Bình, 39 tuổi, lethanhbinhsg@gmail.com)
Nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng: Những gì tôi sưu tập được hơn chục năm qua chỉ là rất nhỏ trong kho tàng cỗ vật Việt Nam. Tôi nghĩ không một nhà sưu tập nào có thể nói tôi đã có tất cả những gì tôi muốn, bởi kho tàng cổ vật là mênh mông mà duyên ai người nấy được. Có những món đồ tôi từng thấy, từng si mê mà không có duyên nên không làm sao sở hữu được. Sức đến đâu thì mình chơi đến đó, chứ mong muốn thì vô chừng.
Đã có nhiều người từng đặt câu hỏi như bạn rằng liệu các món đồ bình thường như hiện nay liệu sau này có trở thành cổ vật hay không? Chúng ta từng thấy những đồ vật mới cách đây vài chục năm thôi nhưng nay đã rơi vào tầm ngắm của những người có thú chơi đồ xưa như ô tô, xe máy, máy chụp hình, máy quay đĩa, đồng hồ, và ngay cả những chiếc cối xay, cối đá…Cùng với thời gian mọi thứ sẽ hư hỏng đi, loại bỏ đi, số còn lại rất ít và đến ngày nào đó chúng trỡ nên độc đáo, cũ xưa và khó kiếm. Cái gì mang dấu ấn thời gian, có tính nghệ thuật và nét văn hoá của một thời còn sót lại sẽ có ngày con người sẽ đi tìm nó để lưu giữ, để bảo tồn và số hiện vật ít ỏi đó sẽ trở nên cổ vật. Có điều hàng hoá vật dụng thời nay được sản xuất với số lượng rất lớn, tính thẩm mỹ và chất lượng rất khác nhau. Do đó thời gian để những vật dụng đó trở nên hiếm hoi sẽ khác xưa nhiều lắm và chỉ những đồ vật nào có tính nghệ thuật, nét văn hoá cao của một thời mới có thể trở thành cổ vật quý hiếm.
Bạn có thấy không khi có những hiện vật có cách đây hàng trăm năm nhưng chẳng mấy người muốn sưu tầm, lưu giữ, có thể xin cho bởi nó rất tầm thường mà số lượng lại không ít. Vậy nếu bạn muốn lưu giữ một số đồ vật để sau này trở thành cổ vật cho đời sau thì hãy lưu giữ những đồ vật có giá trị văn hoá của thời nay. Còn bao lâu chúng trở thành cổ vật thì thời gian sẽ có câu trả lời.
Lời đầu tiên xin gửi lời chúc sức khoẻ nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng. Rất vui khi được đặt câu hỏi về chủ đề gốm sứ tôi vốn rất thích. Nhà sưu tập có thể chia sẻ địa chỉ tin cậy đề tìm mua gốm men trắng thời Lý Trần và theo ông khi tìm những sản phẩm này cần nhận biết những chỉ dấu gì để tránh hàng giả?
Nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng: Dòng gốm men trắng thời Lý cũng khá độc đáo và tinh xảo. Hiện nay đồ Lý trắng không còn bày bán nhiều ở thị trrường nhưng vẫn có thể tìm mua được. Vì gốm thời Lý xuất xứ từ phía Bắc nên tìm mua gốm thời Lý ở Hà Nội dễ dàng hơn ở phía Nam. Ở phố Lê Công Kiều cũng có thể mua được. Còn địa chỉ tin cậy thì tôi chỉ có thể nói riêng với bạn được thôi, nhưng cũng chỉ để tham khảo thôi nhé.
Gốm thời Lý rất nhẹ và không có tiếng kêu đanh. Nếu bạn gặp món đồ cầm thấy nặng tay và khi gõ tiếng kêu trong thì đừng trả giá nhé. Chúc bạn thành công.
Minh Long nổi tiếng với hàng sứ cao cấp và như tôi được biết thường xuất khẩu sang các nước châu Âu. Còn ở Việt Nam cũng chỉ những gia đình có điều kiện mới dùng sản phẩm này. Mặc dù sản phẩm của Minh Long mang đậm nét văn hóa Việt, hồn Việt, tuy nhiên lại chưa gắn bó với đời sống của người bình dân (chiếm đa số). Có khi nào ông có ý tưởng làm riêng một dòng sản phẩm thực sự cho người Việt với giá cả hợp lý hơn để nhiều người dân Việt có thể dùng sản phẩm Minh Long, vì thực tế, đa số dân ta đang dùng đồ sứ Trung Quốc đa dạng mẫu mã nhưng rất kém về chất lượng? (Nguyễn Thị Ngọc Sương, 27 tuổi, ngocsuong.vb@gmail.com)
Doanh nhân Lý Ngọc Minh: Hiện tại công ty Minh Long I đang có bán những bộ sản phẩm chén dĩa với giá từ 400 - 500 ngàn đồng hay chén cơm với giá hơn 10.000 đồng/cái. Vì vậy so với mặt bằng lương hiện tại thì người tiêu dùng có thể trích ra một ít tiền nhỏ từ tiền lương của mình và sở hữu cho mình những bộ ăn bằng gốm sứ chất lượng cao. Hơn nữa, nếu tính về tính kinh tế khi mua hàng thì một bộ sản phẩm sứ Minh Long I có thể sử dụng từ 3-5 năm vẫn chưa thấy cũ và độ bền chắc cao, người tiêu dùng không phải thay thế sản phẩm nhiều lần. Như vậy thì so ra vẫn tiết kiệm hơn.
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chúng tôi đang nghiên cứu kỹ thuật sản xuất với mong muốn tạo ra những sản phẩm có giá thành thấp hơn nữa để phục vụ cho các đối tượng khách hàng khác nhau.
Ngoài ra, trong quá trình sản xuất và theo tiêu chuẩn phân loại chất lượng sản phẩm của Minh Long I, chúng tôi cũng loại ra nhiều sản phẩm không đạt theo tiêu chuẩn của Minh Long nhưng về chất lượng vẫn vượt trội hơn các sản phẩm sứ thông thường.Và chúng tôi hiện đang bán các sản phẩm này tại khu hàng ngoại lệ (showroom Bình dương) với giá bán giảm từ 30-70 % so với giá bán lẻ loại 1.
Xin cho tôi biết các điểm khác biệt nổi trội của các sản phẩm gốm sứ Minh Long so với sản phẩm cao cấp của Trung Quốc hoặc Nhật Bản (Nguyen thi Kieu Hanh, 53 tuổi, ananguyen1610@yahoo.com)
Doanh nhân Lý Ngọc Minh: Mỗi một sản phẩm có đặc tính và chất lượng riêng tùy vào kỹ thuật, công nghệ sản xuất của từng công ty. Riêng đối với sứ Minh Long I, hiện tại dã đạt được các đặc tính vượt trội do từ đầu chúng tôi đã chọn lựa công nghệ sản xuất của Đức với nhiệt độ nung lên đến 1.3800C và mạnh dạn quyết định đầu tư toàn bộ hệ thống công nghệ này. Để sản phẩm của Minh Long nung được ở nhiệt độ cao đến 1.3800C, chúng tôi phải tốn kém không ít chi phí để đầu tư vào công nghệ, chọn mua những nguyên vật liệu thật tốt.
Hiện nay, Ở châu Á, sản phẩm sứ thông thường chỉ nung ở 1.250 – 1.3200C (riêng ở Nhật là: 1.320 – 1.3400C), châu Âu 1.360 – 1.3800C. Nên có thể nói sứ Minh Long không thua kém đồ sứ các nước phát triển và đảm bảo chất lượng và rất an toàn cho người tiêu dùng. Và thành quả là sản phẩm đã đạt được các đặc tính vượt trội như :
1. Có độ tròn, bóng láng, kiểu dáng đa dạng.
2. Khi gõ vào phát ra tiếng kêu thanh, có độ cứng cao nên kho bể vỡ khi va chạm
3. Có màu men trắng tuyệt đối và đồng đều
4. Có độ bóng rất cao, không rạn men và khó bám bẩn, dễ dàng chùi rửa và tiết kiệm chất tẩy rửa và thời gian.
5. Được nung ở nhiệt độ cao 1380 độ C, vì vậy mặt men rất cứng và khó trầy xước trong quá trình sử dụng
6. Sản phẩm không chứa chất độc hại như chì hay cadmium đáp ứng tiêu chuẩn trong và ngoài nước
7. Sản phẩm sản xuất đạt chứng chỉ ISO 9001 : 2000.
Và để nhận biết được sản phẩm sứ chất lượng cao thì người tiêu dùng có thể dùng muối, dấm (đậm đặc) hoặc chanh chà xát nhiều lần vào những chỗ có hoa văn để trong vòng 24 giờ xem màu sắc có thay đổi không. Hay để kiểm tra nhiệt độ nung có thể dùng vật dụng gõ vào sản phẩm, nếu tiếng kêu trong, ngân vang, gần với tiếng kêu thanh của kim loại là đồ tốt; nếu tiếng kêu đục, nặng thì do sản phẩm có nhiệt độ nung thấp. Còn đối với sản phẩm có hoa văn thì đơn giản nhất là dùng tay sờ vào hoa văn, hàng an toàn cho sức khỏe thì hoa văn chìm dưới men, sờ vào không cộm, không nhám, có thể lấy hàng Minh Long để so sánh.
Cuối cùng, cũng không kém phần quan trọng là tất cả các đồ dùng ăn uống của Minh Long I đều có thể sử dụng trong lò vi sóng và máy rửa chén ngoại trừ sản phẩm có trang trí bằng kim loại quý như vàng, bạch kim.
Chào chị Hậu, Tôi nghe nói chị vừa ra một cuốn truyện. Chị có thể chia sẻ về nội dung cuốn truyện này được không? Gốm sứ có kỷ niệm gì đặc biệt trong thời gian làm khảo cổ của chị?
TS. Nguyễn Thị Hậu: Cám ơn bạn đã hỏi thăm về cuốn sách mới của tôi. Đây là tập truyện cực ngắn (mỗi truyện tối đa chỉ 100 chữ), như những mảnh ghép của bức tranh cuộc sống: Có vui có buồn, có “sến” có hài hước… Viết ngăn ngắn để mọi người có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi ít ỏi của mình để đọc nó. Bạn đọc đi, sẽ thấy tôi rất “nhiều chuyện”.
Liên quan đến gốm sứ tôi có hai kỷ niệm vui vui: Khi con tôi còn nhỏ, một lần cháu đến bảo tàng (nơi tôi làm việc) thấy tôi cả ngày ngồi thống kê phân loại hàng ngàn mảnh gốm đất nung mới đi khai quật mang về. Về nhà cháu mách với ông xã tôi “mẹ chẳng làm việc gì cả, suốt ngày chỉ ngồi nghịch đất”. Kỷ niệm khác là lần đi khai quật ở khu di tích gốm cổ Chu Đậu (Hải Dương), tôi nhớ đến những cái bát sứ Hải Dương (mà năm 1975 má tôi cẩn thận mang từ Hà Nội vào và giữ đến tận bây giờ), nhìn kỹ thì không có cái nào thật tròn. Tìm hiểu thực tế mới biết là nhà máy sứ Hải dương khi ấy xây dựng ngay gần bên đường quốc lộ số 5 – con đường giao thông huyết mạch từ cảng Hải Phòng về Hà Nội, xe tải chạy suốt ngày đêm… lò nung bị rung làm ảnh hưởng đến đồ gốm. Đấy cũng là kinh nghiệm và kiến thức cho việc nghiên cứu gốm sứ của tôi.
Kính chuyển nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng Tôi rất thích thú công việc sư tập và có sự đam mê đặc biệt với gốm sứ cổ. Có một vào câu muốn hỏi ông. Ông đã bắt đầu công việc sưu tập từ thời gian nào? Thời gian đó để lại cho ông những kỉ niệm gì đáng nhớ? Với tôi việc đi tìm gốm sứ giống như đi tìm một cô gái đẹp, rất cần cái duyên với nó. Chẳng hạn hôm nay tìm được cái ấm nhưng mấy năm sau mới may mắn gặp được cái nắp của nó, ông có quan niệm như vậy? (Thodia, 55 tuổi, hoangvannguyenhuu@gmail.com).
Nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng: Để không bị nhầm lẫn khi sưu tầm cổ vật thì không có cách nào tốt hơn là phải tiếp xúc nhiều, giao lưu rộng, đọc và nghiên cứu nhiều các tài liệu, sách vở có liên quan đến lĩnh vực mình sưu tầm, kể cả phải chấp nhận trả ‘học phí’ cho thú chơi của mình. Mới “vào nghề” có gần một năm thì việc nhầm lẫn rất khó tránh khỏi nếu bạn không chịu khó “ tầm sư học đạo”. Thực ra gốm sứ mỗi thời đều có những đặc thù riêng về kiểu dáng, về hoa văn, về cốt thai, về màu men mà khi ta đã “học thuộc bài” thì cũng không quá khó để phân biệt thật giả, trừ khi ta quá sơ ý, quá nóng vội đến mức mê muội trước sự hấp dẫn của món đồ mà ta đang thiếu, đang khát khao sở hữu. Với thời lượng có hạn của buổi giao lưu tôi không thể giúp bạn về những kinh nghiệm mà tôi đã trải qua nhưng tôi sẵn sàng chia sẻ với bạn vào dịp khác.
Bạn hỏi tôi cổ vật thời nào có giá trị nhất? Tôi cho rằng giá trị cổ vật chủ yếu lại không phải do yếu tố thời gian, niên đại mà chủ yếu do giá trị nghệ thuật, tính độc đáo và sự hoàn hảo của món đồ. Thời nào cũng có những cổ vật rất quý hiếm kể cả những món đồ mà tuổi đời còn rất “trẻ”. Còn sự đánh giá hay sở thích cá nhân thì lại là chuyện khác, nó có thể rất khác nhau. Do vậy thiên hạ mới có câu “cổ vật không có giá”.
Làm sao dễ dàng để tìm được nguồn đồ cổ để mua ư? Ngày trước, cách đây hơn chục năm, vài chục năm thì không khó nhưng bây giờ thì khó đấy. Cổ vật thì có hạn, người chơi thì ngày một nhiều nên thời nay tìm được món đồ mà mình yêu thích thật chẳng dễ chút nào. Chỉ có cách tiếp xức thật nhiều, giao lưu thật rộng sẽ có người mách cho bạn cái bạn cần có thể tìm kiếm nơi đâu.
Thưa nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng, điều gì quan trọng nhất đối với một nhà sưu tập và để phân biệt được ai là nhà sưu tập, ai là con buôn đồ cổ?. Tôi thấy xã hội cứ đổ đồng những ai có nhu cầu săn tìm đồ cổ là nhà sưu tập nhưng tôi biết có nhiều người họ tìm được đồ cổ xong họ tìm mối bạn lại ngay, đâu có vì văn hóa hay để lưu giữ cho thế hệ đâu?. Nhà sưu tập nghĩ sao về điều đó? (Cẩm Vi, 33 tuổi, themnhacohoa@yahoo.com.vn).
Nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng: Theo tối tố chất quan trọng nhất của một nhà sư tập là lòng đam mê, sự am hiểu nhất định về văn hoá và nghệ thuật có liên quan đến lĩnh vực mà mình sưu tập, sự trân trọng và thành tôm đối với các giá trị văn hoá đó. Những người như bạn nói chắc không có các tố chất đó.
Văn minh Óc Eo nỗi tiếng với kĩ thuật chế tác trang sức tinh xảo, nghệ thuật chế tác đạt trình độ cao, nhưng riêng về gốm thì chưa thể hiện được trình độ cao, điều này có thể lý giải ở góc độ nào? (Lê Quang Hào, Chi hội gốm Nam bộ)
TS. Nguyễn Thị Hậu: Các đồ chế tác như trang sức, vàng bạc thường dùng phục vụ tầng lớp cao cấp, hoặc trong nghi lễ thờ cúng. Còn chức năng đồ gốm luôn phục vụ tầng lớp bình dân, chất lượng chừng mực, từ nguyên liệu bản địa, thấp hơn những sản phẩm khác cao cấp hơn.
Chào doanh nhân Lý Ngọc Minh, Tôi rất để ý và cảm động khi những ngày lễ trọng đại của dân tộc ông luôn có những món quà đặc biệt để dâng tặng như cúp và chén ngọc mừng đại lễ, dù ông không bị bắt buộc phải làm như vậy. Hẳn phải là người nhuần nhị, trăn trở lắm với gốm sứ ông mới có tấm lòng như vậy với gốm sứ Việt Nam? Ngoài ra, tôi còn thấy ông hay xuất hiện bên các lãnh đạo, nguyên thủ lớn của Việt Nam và quốc tế. Những cuộc gặp với VIP, những khách hàng "đặc biệt" của ông, ông có cảm xúc gì? Họ có "đặt hàng" ông cũng như Minh Long với tầm mức trong tương lai? (Quangvinh, 50 tuổi, phanbien_1953@gmail.com)
Doanh nhân Lý Ngọc Minh: Trong các ngày lễ hay các sự kiện quan trọng của Nhà Nước, Minh Long I cũng muốn đóng góp một phần công sức vào đó thông qua việc sản xuất các tặng phẩm bằng sứ có ý nghĩa văn hóa để làm tặng phẩm, và Minh Long I rất vinh dự khi được sự chấp thuận của Nhà Nước. Ngoài ra, cũng có một số sản phẩm chúng tôi sản xuất theo đơn đặt hàng của Nhà Nước cho riêng các sự kiện ngoại giao cấp quốc gia.
Vì là doanh nhân nên tôi có cơ hội gặp gỡ với các lãnh đạo Nhà nước và các nguyên thủ quốc gia, tôi cảm thấy tự hào và hãnh diện vì điều này.
Kính gửi Ông Lý Ngọc Minh, Tôi nhà người sử dụng gốm Minh Long hàng ngày nên tôi và bà xã thường ghé Minh Sáng Plaza, dù đi hơi xa một chút, để mua đồ. Tôi nhận thấy ít năm trở lại đây Minh Long chuyển hướng qua mặt hàng cao cấp, ngoài đồ dùng gia dụng. Việc chuyển hướng này phải chăng gốm Minh Long không cạnh tranh được với gốm sứ các hãng khác, đặc biệt là đồ Trung Quốc? Tối rất thích nhiều mẫu bình trưng ở Minh Sáng nhưng thấy giá cả không hế rẻ tí nào, phải chăng đây là hướng đi để Minh Long thu lợi nhuận cao?(Khánh Toàn, 41 tuổi, anvankhanhtoan@yahoo.com.vn)
Doanh nhân Lý Ngọc Minh: Cám ơn câu hỏi của bạn về sản phẩm Minh Long.
Hiện Minh Long có sản xuất thêm các dòng sản phẩm sứ mỹ thuật, sứ vẽ tay với giá thành cao hơn như bình hoa vẽ tay,v.v. nhưng dòng sản phẩm sứ gia dụng như chén dĩa vẫn là mặt hàng công ty Minh Long I chú trọng và tập trung sản xuất.
Ngay từ đầu Minh Long đã có những sản phẩm đa dạng từ cấp thấp đến cấp cao. Cụ thể là những bộ trà hoặc bộ bàn ăn giá từ 300-500 ngàn đồng bộ cho đến hàng chục triệu. Đến nay, nếu bạn chịu khó tìm hiểu sẽ thấy ở khu B của Minh Sáng Plaza vẫn còn trưng bày và bán những bộ bàn ăn hoặc bộ trà với giá từ 300 đến 500 ngàn đồng/ bộ. Công ty luôn mong muốn có thể cung cấp cho người tiêu dùng những bộ sản phẩm với giá thành hợp lý phù hợp cho từng đối tượng khách hàng. Có điều trong cuộc sống con người luôn muốn nhiều sự thay đổi mới lạ, chất lượng ngày càng được nâng cao hơn. Chúng tôi luôn theo dõi để đáp ứng nhu cầu đó.
Ví dụ như những sản phẩm có độ mỏng cao, độ thấu quang cao, màu sắc trang nhã hơn thì chúng tôi đã cố gắng làm cho bằng được, và lẽ dĩ nhiên giá thành có cao hơn nhưng được công chúng quan tâm và chấp nhận nên chúng tôi sản xuất thêm những mặt hàng cao cấp cho ngày càng phong phú đa dạng.
Vui lòng cho tôi hỏi Gốm sứ ngoài công dụng để sử dụng có ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm không? Ví dụ như bộ tách trà dùng để pha trà thì còn ảnh hưởng gì đến chất lượng nước trà? Chân thành cảm ơn(Nguyen Thi Thu Huong, 29 tuổi, huongorchid272@yahoo.com)
Doanh nhân Lý Ngọc Minh: Như đã đề cập bên trên do sản phẩm được nung ở nhiệt độ cao nên loại bỏ hoàn toàn các tạp chất gây hại cho sức khỏe , vì vậy bạn hoàn toàn yên tâm khi sử dụng bộ đồ trà để pha chế trà đãi khách. Khi sử dụng bộ trà sứ của Minh Long không những không ảnh hưởng đến chất lượng của trà mà còn giúp giữ được độ nóng của nước trà lâu hơn. Đặc biệt với việc ứng dụng công nghệ Nano vào trong sản phẩm sứ Minh Long I giúp cho bề mặt men của sản phẩm khó bị bám bẩn và khó trầy xước. Do đó sau khi sử dụng uống trà thì không bị trà bám vào gây khó chùi rửa như những sản phẩm cùng loại khác.
Gốm sứ Minh Long so với gốm sứ thời Lý - Trần có gì tiến bộ hơn ?(Nguyễn Thị Kim Thủy, 50 tuổi, vieillk@gmail.com)
Doanh nhân Lý Ngọc Minh: Chúng ta không thể so sánh cụ thể được ở đây. Vì vào thời điểm đó men màu, nguyên liệu rất thô sơ, không có đủ các dụng cụ máy móc hiện đại như bây giờ mà các Cụ đã sản xuất được những sản phẩm tinh xảo và đẹp như vậy đáng để chúng ta trân trọng và học hỏi . Nhưng thời đại chúng ta bây giờ có nhiều lợi thế hơn nhờ vào công nghệ, trang thiết bị máy móc kỹ thuật cao nên việc sản xuất có độ chuẩn xác hơn.
Ví dụ men ngọc bây giờ chúng ta làm ổn định hơn, thân đất trắng hơn, trong và cứng chắc, độ đồng đều màu cao hơn, nhưng nền gốm sứ thời đại nào cũng có giá trị lịch sử quý báu riêng của nó.
Chào nhà sư tập Nguyễn Văn Dòng. Ông có thể cho biết gốm sứ thời Lý – Trần ảnh hưởng như thế nào đến gốm sứ hiện nay? Liệu khi các công ty, doanh nghiệp họ đầu tư máy móc, công nghệ làm gốm công nghiệp thì những giá trị văn hoá của gốm sứ thời xưa sẽ không còn lưu dấu trên gốm sứ thời nay? Theo ông gốm sứ bây giờ có văn hoá hay không?
Nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng: Gốm sứ thời nay phải đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng thời nay, phù hợp với không gian văn hoá và sự tiện dụng của con người thời nay. Không chỉ có gốm sứ mà vật dụng nào cũng vậy. Chỉ có gốm nghệ thuật hay gốm trang trí thì có thể có sự lưu giữ một số nét nghệ thuật cổ phục vụ cho phù hợp với từng công trình kiến trúc hoặc mục đích sử dụng. Hiện có khá nhiều nhà hàng hoặc khách sạn, khu nghỉ mát đặt sản xuất riêng các loại đồ gốm mang sắc thái của các loại gốm cổ để tạo sự độc đáo của không gian sống hoặc không gian ẩm thực.
Gốm sứ thời nào cũng phải mang sắc thái văn hoá của thời đó dù nó được sản xuất theo kiểu công nghiệp hay thủ công.
Tôi xem thông tin trên báo thấy nói nhiều đến đồ cổ này nọ nhưng tôi hơi thắc mắc là làm sao có thể chỉ nhìn thôi mà người ta có thể phán đoán được chính xác đồ cổ đó của thời nào, năm nào? Liệu có tình trạng “trong đám người mù thì thằng chột làm vua” không, tức ai khéo miệng thì thuyết phục được người khác tin mình chứ nhiều khi cũng không phải do họ nói đúng. Xin nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng cho biết ý kiến về chuyện này. (Lê Giang Nam, 41 tuổi, legnam234@gmail.com).
Nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng: Như tôi đã trao đổi với người giao lưu trước rằng việc xác định niên đại của một món đồ là không đơn giản, thậm chí ngay trong giới bảo tàng cũng có những xác định không thống nhất. Tuy vậy, các kết quả thu được thông qua các cuộc khai quật khảo cổ ngày càng nhiều đã giúp cho việc xác định niên đại cổ vật được dễ dàng hơn, có căn cứ khoa học hơn. Việc so sánh với các vật chuẩn có niên đại tuyệt đối ghi trên một số cổ vật. Việc so sánh với các hoạ tiết, hoa còn lưu lại trên các công trình kiến trúc cổ. Việc đối chiếu với các cổ vật cùng thời của các nền văn hoá lân cận sẽ giúp cho việc xác định niên đại cổ vật được chính xác hơn. Nếu nghiên cứu sâu và kỹ vềnhững vấn đề này thì căn cứ vào các tiêu chí đặc thù về kiểu dáng, hoa văn, thai cốt và màu men của đồ gốm sẽ giúp ta xác định được niên đại cổ vật gốm một cách thuận lợi hơn. Điều đó đòi hỏi vốn kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm thực tế mà trong thời gian ngắn các nhà sưu tập chưa thể thôn thạo được.
Những người buôn bán cổ vật có thể rất giỏi về phân biệt món đồ thật - giả nhưng rất ít người sành sỏi về xác định niên đại. Nhiều khi họ cứ nói đại theo cách của họ để quảng bá cho một món đồ.
Tôi có nghe TS Nguyễn Thị Hậu nói rằng đồ gốm rớt dưới nước, sau bao năm vớt lên nhưng vẫn không rã. Trong khi đó công nghệ làm gốm thời xưa chưa đạt kĩ thuật cao. Chất liệu gì làm nên loại gốm này tồn tại tốt đến như vậy? (Bạn đọc Lan Hương).
TS. Nguyễn Thị Hậu: Đồ gốm của nước ta dùng loại đất dẻo, đất sét. Các loại đất này khi nung qua lửa làm tăng độ chịu lực và độ kết dính. Hiện tại, một số loại đất nung tại một số địa phương có người Chăm sinh sống vẫn dùng phương pháp nung ngoài trời, bằng nguyên liệu cỏ dưới nhiệt độ 500 – 600 độ C. Với nhiệt độ nung như vậy, thì khi ở dưới nước, sản phẩm sẽ không bị rã, hoàng thổ. Thế kỷ VII – VIII, trình độ nung gốm ở nước ta đã đạt khá cao, không thấm nước đã giúp cho sản phẩm tồn tại khá lâu. Có thể đấy chính là bí quyết.
Hiện nay đã tìm thấy những di chỉ, những lò gốm sản xuất gốm Lý - Trần chưa? Nếu có xin cho biết quy mô như thế nào, ở đâu? (Lê Quang Hào, sinh năm 1971)
Nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng: Một điều băn khoăn là đồ gốm Lý - Trần hiện nay không hề hiếm gặp nhưng sản xuất ở đâu là một vấn đề. Gần đây có hé lộ thông tin, khi khai quật Hoàng Thành Thăng Long có phát hiện nhiều vết tích, mẫu vật, vật dụng sản xuất gốm. Nhiều bằng chứng như vậy cho thấy ở khu vực này có sự ngự trị một thời của các lò gốm.
Thứ hai, sự kiện lịch sử ghi nhận vua chúa thời Trần có hành hương về Nam Định. Đến nay chưa phát hiện được sự hiện diện của lò gốm Lý - Trần ở đây nhưng sản phẩm gốm cổ của một người Đức sưu tầm được có ghi tên đại danh Thiên Trường là nơi sản xuất.
Hơn thời gian dự kiến cả một giờ đồng hồ nhưng những bạn đọc, những nhà nghiên cứu, những người đam mê gốm sứ vẫn còn có những ý kiến, trao đổi cũng như rất nhiều bạn đọc gửi câu hỏi qua hộp thư giao lưu.
Mười bạn đọc (có 7 người giao lưu trực tiếp tại tòa soạn và 3 người gửi câu hỏi qua email) có câu hỏi hay nhất đã được Minh Long tặng những phần quà cao cấp của công ty.
Với những câu hỏi còn lại của bạn đọc, ban tổ chức sẽ cố gắng trả lời qua email đến từng người hoặc hẹn vào buổi tọa đàm sau.
Giấy phép số: 70/GP-STTTT cấp ngày 16/11/2017 Địa chỉ: 41 Đường DC13, P. Sơn Kỳ, Q. Tân Phú, TPHCM |